Tin tức
Thủy kích đừng vội sợ, đừng chủ quan
Khi buộc phải di chuyển qua đoạn đường ngập nước, phải đi đều ga, không dừng lại giữa chừng; nếu chết máy hay động cơ hoạt động không bình thường phải gọi ngay cứu hộ, tuyệt đối không đề nổ lại động cơ.
Thủy kích nguy hại tới mức nào?
Khi bạn lái xe ô tô vào đoạn đường ngập, nước bị lọt vào buồng đốt và gây chết máy hoặc động cơ hoạt động không bình thường, nếu vẫn cố khởi động xe hay tiếp tục chạy thì piston sẽ tiếp tục hoạt động và bị lực tác động lớn ngược lại do nước không nén được. Quá trình này làm cong hoặc gãy tay biên gây trầy xước piston, xy-lanh ở một hoặc một vài buồng đốt thậm chí có thể làm vỡ lốc máy. Động cơ bị hư hỏng do nước sục vào như vậy được gọi là thủy kích.
Động cơ xe khi bị thủy kích phải được tháo ra để kiểm tra thì mới biết được mức độ hư hỏng và thay thế chi tiết. Tùy mức độ hư hỏng, có thể sẽ phải thay tay biên, thay xéc măng hoặc piston cùng một số chi tiết khác như gioăng quy lát, phớt đuôi trục cơ, các loại dầu hoặc nặng hơn là thủng lốc máy, cong trục khuỷu,…
Việc sửa chữa một chiếc xe bị thủy kích thường rất tốn kém, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng với các xe hạng sang. Thêm nữa, nếu xe đã bị thủy kích thì việc bán lại sẽ rất khó khăn hoặc mất giá rất nhiều.
Lưu ý khi lội nước
Nhà sản xuất khuyến cáo không nên lái xe trên đường ngập nước do những rủi ro nói trên. Tuy nhiên nếu buộc phải lái xe trên những đoạn đường này, cần đặc biệt chú ý đến các điều kiện sau:
Khảo sát địa hình và nắm rõ đặc tính của xe
Nếu đã có các xe khác dẫn đường đi vào vùng ngập nước thì bạn có thể biết được mực nước sâu đến đâu và băng qua có dễ dàng hay không. Ngoài việc xác định mức độ nông sâu, bạn cũng cần hiểu rõ đặc tính của xe (mà cụ thể là cổ hút gió vào động cơ) để lường trước khả năng lội nước. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp mức nước thấp hơn cổ hút rất nhiều tuy nhiên. Vì vậy khả năng lội nước phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng lái của bạn cũng như ảnh hưởng của các điều kiện xung quanh (các xe đang hoạt động xung quanh, gió….).
Bình tĩnh xử lý tình huống
Khi đã cảm thấy đủ độ an toàn, hãy cho xe di chuyển chậm trên đường ngập nước với số thấp (cả với xe số tự động), đi đều ga và cố gắng tránh làm nước sóng mạnh lên, không nên dừng xe/giảm ga đột ngột khi đang đi vì nước có thể tràn vào khoang động cơ. Sau khi đã ra khỏi vùng ngập nước, nên rà phanh vài lần để làm khô phanh.
Trường hợp đi vào đường ngập nước mà có xe khác đi ngược chiều tạo sóng, thì bạn hãy bình tĩnh giữ đều ga và đi tiếp; không nên đạp phanh hoặc dừng xe vì như vậy nước càng có điều kiện để tràn vào khoang động cơ nhiều hơn. Nếu xe bị chết máy hoặc động cơ hoạt động không bình thường, hãy gọi cứu hộ để đưa xe ra khỏi khu vực ngập nước, tuyệt đối không được đề nổ lại máy.
Nên kiểm tra động cơ và chất lượng dầu/ nhớt động cơ, hộp số, vi sai, thước lái, mỡ các ổ bi, các khớp xoay… sau khi đi qua đường ngập nước.
Chủ động dự phòng
Mùa mưa đang tới gần, các thành phố lớn những năm qua chứng kiến rất nhiều xe ô tô bị ngập nước, không chỉ khi di chuyển trên đường mà ngay cả khi để trong hầm chung cư, đỗ ở bãi… Vì thế, hãy luôn thật cẩn trọng. Nếu thường xuyên phải di chuyển qua các cung đường ngập nước, tốt nhất là nên sử dụng các loại xe SUV, bán tải vốn có khả năng lội nước tốt hơn xe sedan hay compact.
Và dù là loại xe nào, chủ xe cũng nên mua bảo hiểm có điều khoản thủy kích để giảm thiểu chi phí khi xảy ra sự cố, như bảo hiểm chính hãng Toyota có gói bồi thường thủy kích hỗ trợ chi phí sửa chữa lên đến 90%.