Tin tức
Ô tô bị ngập bùn – Cách xử lý tại chỗ giảm thiểu thiệt hại
So với ngập nước thì việc ô tô bị tác động bởi bùn đất thường không quá nguy hại cho động cơ nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng đến nhiều chi tiết hơn và đặc biệt là tốn kém chi phí lớn để sửa chữa cho chủ xe.
Sáng ngày 4/8 vụ sạt lở đất đá do mưa lớn, lũ quét tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã khiến nhiều ô tô bị bùn đất vùi lấp ngang thân và không thể di chuyển. Trong sự việc này, đã có không ít xe bị móp méo thân vỏ, đèn, gương kính… do tác động của đất đá, bùn nhão, cành cây gãy kết hợp với dòng nước xiết chảy qua. Tiếp đến là bị hư hỏng hệ thống điện và các bộ phận phức tạp khác như hệ thống khung gầm, giảm xóc, hệ thống lái và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả nội thất xe.
Khác với xe bị ngập nước, xe bị hư hỏng nặng hay nhẹ còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ ngập trong bùn đất và hướng đỗ xe. Cụ thể:
- Xe bị bùn đất tác động từ phía đầu xe sẽ có nguy cơ hỏng hóc lớn hơn nhiều so với xe đỗ theo chiều ngược lại.
- Nếu bùn đất đá chỉ lấp ngang bánh xe và chưa vào động cơ thì sẽ “dễ chịu” hơn so với việc bùn đất ngập đến thân xe. Với một số xe bị nhẹ, sau khi vệ sinh và kiểm tra khoang động cơ, vệ sinh khoang máy, điều hoà, lọc gió và vệ sinh qua nội thất là đã có thể hoạt động trở lại như bình thường.
Nếu không may xe bị ngập trong bùn đất, để hạn chế tối đa thiệt hại, chuyên gia Toyota Việt Nam khuyên bạn cần áp dụng những kinh nghiệm xử lý tại chỗ như sau:
1. Không nên khởi động xe
Với xe gầm thấp như sedan, khi thấy bùn lầy đã ngập quá nửa bánh xe, việc cố gắng khởi động sẽ tạo điều kiện cho bùn, nước tràn vào các bộ phận quan trọng trên xe. Một vài hạt cát nhỏ cũng làm máy bị hư hỏng. Vì thế, không nên khởi động hay tự lái xe thoát khỏi vùng ngập bùn.
Nếu như có đủ kinh nghiệm và dụng cụ kiểm tra xe, để đảm bảo xe có thể hoạt động an toàn cần kiểm tra và đảm bảo các bộ phận như quạt gió két nước, các chi tiết dẫn động như dây curoa cùng các pulley,…
2. Có biện pháp bảo vệ nội thất
Ngay khi bắt đầu nhận thấy có hiện tượng bùn lầy tiến đến, lái xe và những người khác trong xe hãy nhanh chóng rời khỏi xe để tránh việc bị kẹt trong xe khi dòng nước trở nên mạnh mẽ hơn và gây nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời, cũng sẽ hạn chế được việc mở cửa xe khiến nước và bùn tràn vào khoang nội thất.
3. Gọi cứu hộ và liên hệ công ty bảo hiểm
Về nguyên tắc, ô tô ngập bùn sẽ ít bị ảnh hưởng nặng nề như thủy kích nhưng tài xế cần thực hiện các biện pháp ngăn chặn bùn, đất làm hỏng xe và gọi cứu hộ để được hỗ trợ đưa xe đến các cơ sở bảo dưỡng.
Đồng thời, tài xế cũng nên gọi ngay cho công ty bảo hiểm để được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ bồi thường.
4. Kiểm tra, vệ sinh, thay thế những bộ phận bị hỏng hóc
Sau khi thoát khỏi vùng ngập bùn, ô tô cần được đưa ngay đến đại lý hoặc cơ sở bảo dưỡng gần nhất. Khi đó, kỹ thuật viên sẽ căn cứ vào thời gian xe bị ngâm trong bùn, độ ngập bùn để nhận định mức độ hư hỏng của các bộ phận và đưa ra phương án sửa chữa, vệ sinh phù hợp.
Một số điểm cần lưu ý khi sửa chữa và vệ sinh xe bị ngập bùn bao gồm:
- Vệ sinh ngoại thất và với khoang nội thất, cần được vệ sinh sạch bùn đất và nước còn lưu lại. Sau đó, sấy khô và khử mùi thảm lót sàn, mút cách âm, nỉ trải sàn để ngăn chặn ẩm mốc.
- Làm sạch hệ thống ống dẫn khí, ống dẫn hơi điều hòa và hệ thống điện.
- Kiểm tra và thay thế (nếu cần) một vài bộ phận dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập bùn như lọc, thay nhớt máy, nhớt số, dầu phanh, lọc không khí cho hệ thống điều hòa, súc bình xăng… bởi có khả năng nước và bùn đã xâm nhập vào các bộ phận này.
- Những bộ phận cơ khí của xe có chức năng dao động theo biên độ như hệ thống treo, rô-tuyn, hệ thống lái, hệ thống phanh cũng cần chú ý đặc biệt.
Xe bị ngập nước hay bùn đất là điều không ai muốn gặp phải, tuy nhiên “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nên khi trời mưa lớn không nên di chuyển hay dừng đỗ xe ở những khu vực có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét. Nếu buộc phải ở những nơi như vậy, hãy áp dụng linh hoạt các biện pháp khác nhau để bảo vệ ô tô tùy vào mức độ ảnh hưởng và địa hình xảy ra vụ việc; nắm rõ những kỹ năng xử lý tại chỗ khi ô tô ngập bùn sẽ giúp bạn hạn chế mức thấp nhất thiệt hại.